Chiến thuật tăng điểm IELTS Listening dạng bài Completion
Bài thi IELTS Listening gồm 4 phần, trong đó phần cuối là một bài giảng thuyết, thuyết trình của một người nói, thường là trước đám đông, về một chủ đề học thuật chẳng hạn như nghiên cứu về một loài động vật, thực vật hay một hành tinh. Trong phần này, đa phần thí sinh sẽ gặp phải dạng bài Note completion (điền từ vào bảng/ phần tóm tắt của toàn bộ bài nói). Đây là phần duy nhất thí sinh phải trả lời 10 câu hỏi một lúc và không có khoảng dừng ở giữa như các phần khác. Vì vậy, thí sinh phải đọc toàn bộ phần tóm tắt trong 45 giây trước khi bài nghe bắt đầu. Vậy làm thế nào để tận dụng tối đa 45 giây trước khi nghe và tăng tối đa số câu trả lời đúng? Trong bài viết này, tác giả sẽ phân tích chi tiết chiến thuật làm bài IELTS Listening dạng bài Completion, giúp thí sinh tự tin hơn trong phòng thi.
Key takeaways
1. Tổng quan về phần 4 trong bài thi nghe IELTS:
Bài nói/ thuyết trình của một người nói về một chủ đề học thuật
Dạng bài thường gặp: Note/table completion
Thí sinh chỉ có 45 giây đọc toàn bộ câu hỏi và không có khoảng dừng ở giữa trước
Khó khăn: không đọc kịp hết phần tóm tắt.
2. Chiến thuật làm phần 4
2.1 Trước khi nghe
Bước 1:
Đọc tiêu đề và phụ đề của phần tóm tắt và xác định số từ cần điền
Đọc tiêu đề: nắm chủ đề chính của bài nói
Phụ đề: là đề mục được in đậm, giúp thí sinh nắm được kết cấu của bài nói: gồm mấy phần? nội dung chính của mỗi phần?
Số từ cần điền: rất quan trọng, thường là điền duy nhất một từ
Bước 2:
Đọc kĩ các câu chứa câu hỏi, xác định từ khóa và dự đoán từ cần điền
Ưu tiên đọc các câu chứa câu hỏi trước
Dự đoán càng cụ thể càng tốt
2.2 Trong khi nghe
Theo dõi phần tóm tắt từ đầu đến cuối, nghe đến đâu gạch chân đến đó để
Tận dụng các signposting words (cụm từ chỉ dẫn, chuyển ý)
Những từ được người nói nhấn mạnh có thể là đáp án
2.3 Sau khi nghe
Kiểm tra chính tả, điền đáp án ở dạng in hoa
Khi luyện tập: Thi sinh tự nghe lại rồi tự đưa ra đáp án, sau đó mới đối chiếu với đáp án trong sách
Xác định điểm yếu và tìm cách khắc phục
3. Những lỗi sai thường gặp
Chưa nghe kịp tốc độ của người nói: luyện tập ở tốc độ 1.25
Chưa nghe được paraphrase: lập bảng paraphrase sau khi làm bài
Không biết được danh từ cần điền là số ít hay số nhiều: dự đoán dựa trên ngữ pháp, thống kê đáp án thí sinh thường làm sai, học các danh từ không đếm được
Chưa hiểu được câu chứa câu hỏi vì chưa có thời gian đọc
Rơi vào bẫy của người ra đề: cấu trúc câu thay đổi, đáp án xuất hiện trước keywords
Không biết người nói đọc đến phần nào của phần tóm tắt: vừa nghe vừa gạch chân
Nghe không hiểu: nâng cao kĩ năng nghe nói chung, nghe nhiều, nghe sâu
Đưa ra đáp án khi chưa nghe hết nội dung phần đó: ghi lại đáp án nghi ngờ, nghe xong rồi mới chọn đáp án.
Tâm lí hoang mang khi chưa nghe được một câu nào đó: bình tĩnh và tiếp tục câu tiếp theo
Chiến thuật làm bài
Trước khi nghe
Theo xu hướng ra đề hiện nay, phần tóm tắt chứa câu hỏi thường khá dài và nhiều chữ, vậy nên nhiều thí sinh không thể đọc hết toàn bộ 10 câu hỏi trước khi bắt đầu nghe, khiến thí sinh lo sợ và không nghe kịp. Vì vậy, thí sinh cần biết cách đọc phần tóm tắt sao cho hiệu quả để biết đâu là trọng tâm cần đọc kĩ và đâu là phần chỉ nên đọc lướt qua để nắm ý chính.
Bước 1: Đọc tiêu đề và phụ đề của phần tóm tắt và xác định số từ cần điền
(Cambridge IELTS 16, Listening Test 1, Part 4)
Trong ví dụ trên:
Tiêu đề: Stoicism, thí sinh cần đọc tiêu đề để nắm được đối tượng hay chủ đề chính mà người nói sẽ thảo luận về xuyên suốt bài nói.
Phụ đề: các phần đề mục được in đậm (Ancient Stoics, Stoic principles, The influence of Stoicism, Relevance of Stoicism). Một bài nói hay thuyết trình luôn có một cấu trúc nhất định và nhờ vào phần phụ đề, thí sinh biết được rằng bài nói này được chia thành bao nhiêu phần chính và nội dung chính của từng phần là gì, từ đó giúp thí sinh hiểu hơn về đối tượng mà họ sẽ nghe, giúp việc nghe và tìm câu trả lời trở nên dễ dàng hơn.
Sau đó, thí sinh nhìn vào phần hướng dẫn để xác định số từ cần điền. Đây là bước không thể thiếu cho tất cả các dạng điền từ, thông thường, phần 4 thường yêu cầu ONE WORD ONLY.
Bước 2: đọc kĩ các câu chứa câu hỏi, xác định từ khóa và dự đoán từ cần điền
Như thí sinh đã thấy, phần tóm tắt trên khá dài, rất nhiều thí sinh sẽ gặp khó khăn trong việc đọc toàn bộ câu hỏi.
Vì vậy, thí sinh nên ưu tiên đọc các câu/ ý chứa câu hỏi trước để có thể xác định từ khóa, từ đó dự đoán đáp án cần điền vào chỗ trống. Việc dự đoán đáp án không nên chỉ dừng ở loại từ (danh từ, động từ, tính từ hay trạng từ), thí sinh nên đoán cụ thể hơn nếu có thể:
Danh từ: danh từ chỉ nơi chốn, danh từ chỉ bộ phận của con vật, tên quốc gia, tên một căn bệnh cụ thể, danh từ số nhiều hay số ít ,v.v.
Tính từ: tiêu cực hay tích cực, quốc tịch, tính từ chỉ màu sắc, tính từ nói về tính cách con người ,v.v. Đối với tính từ, thí sinh cần xác định luôn tính từ này đang miêu tả cho danh từ hay cụm từ nào trong phần tóm tắt để giúp việc định hình đáp án trở nên dễ dàng hơn.
Phần lớn đáp án là danh từ và tính từ. Đối với danh từ, thí sinh nên dự đoán luôn đáp áp cần điền là danh từ số ít hay số nhiều, có đếm được hay không. Thí sinh có thể dựa vào mạo từ (a, an, the), lượng từ (some, a few, a lot of, many, much), cấu trúc song song (apples and oranges) để đưa ra dự đoán. Nếu không thể dự đoán được dựa trên ngữ pháp, thí sinh cần chuẩn bị tâm lí nghe thật kĩ để xem danh từ đó có ở dạng số nhiều hay không. Thí sinh có thể để ý rằng, thông thường âm cuối của danh từ sẽ không được phát âm rõ, tuy nhiên nếu như danh từ ở dạng số nhiều thì âm cuối từ đó sẽ được nhấn mạnh cùng với phần /s/ hay /z/ (ví dụ word và words). Nếu thí sinh không chắc chắn, thí sinh có thể chọn đáp án là danh từ ở dạng số nhiều nếu danh từ đó đếm được vì thường sẽ có nhiều đáp án ở dạng số nhiều hơn hoặc có một số câu chấp nhận đáp án cả số ít lẫn số nhiều.
Quá trình này nghe có vẻ mất thời gian nhưng nếu thí sinh luyện tập thường xuyên, nó sẽ trở thành thói quan và không thực sự tốn nhiều thời gian như thí sinh đã nghĩ.
Trong thời gian luyện tập ban đầu, thí sinh nên cho họ nhiều thời gian hơn ở bước này và từ từ giới hạn lượng thời gian đó xuống khoảng còn 45 giây giống như trong phòng thi. Sau đây là một ví dụ minh họa:
Đề bài yêu cầu chỉ điền một từ duy nhất
Dự đoán | Đáp án |
31. tính từ, miêu tả appeal | practical |
32. danh từ (chỉ có một từ đứng một mình nên có thể là danh từ không đếm được hoặc danh từ số nhiều) | publication |
33. danh từ đi với make, có thể là decisions, choices | choices |
34. adj miêu tả experiences (negative, positive, bad) | negative |
36. danh từ, tên sáng chế phát minh của Adam Smith | capitalism |
37. tên một loại bệnh | depression |
38. danh từ | logic |
39. danh từ, xem trở ngại như cơ hội (opportunity) | opportunity |
40. danh từ (dự đoán patience, practice) | practice |
Mặc dù chủ đề mang tính học thuật liên quan đến các vấn đề như lịch sử, khoa học nhưng đa phần đáp án thường là những từ rất quen thuộc nên đôi khi thí sinh có thể dự đoán đúng được đáp án cho một vài câu (như trên ví dụ) nếu như có đã luyện tập nhiều đề. Trong phần minh họa trên, các từ khóa được tác giả gạch chân, đây là những từ giúp thí sinh biết được phần thông tin chứa đáp án sắp đến nên cần tập trung cao để tìm đáp án dựa trên dự đoán.
Đối với các câu, các ý không chứa đáp án, thí sinh có thể đọc lướt nhanh từ nói lên ý chính để có thể hiểu các phần sau tốt hơn nhưng vẫn ưu tiên các ý chứa đáp án trước. Ví dụ, trong câu “Stoicism was founded over 2,000 years ago in Greece”, thí sinh chỉ cần nhìn qua thật nhanh và gạch dưới từ “founded” (ý chính của cả câu).
Trong khi nghe
Trái với bước phân tích câu hỏi, khi nghe thí sinh nên theo dõi toàn bộ bài nghe từ đầu đến cuối và không nên chỉ tập trung vào các câu/ ý có chứa câu hỏi vì nó sẽ giúp thí sinh theo dõi và hiểu được bài nghe tốt hơn. Trong quá trình nghe, thí sinh nghe đến thông tin nào thì gạch chân thông tin đó trong bài, giúp thí sinh không rơi vào tính huống không biết bài nghe đang nói đến phần nào. Nếu thí sinh đang thi trên máy tính thì có thể dùng chuột di chuyển trên màn hình theo nội dung bài nghe, giúp thí sinh biết khi nào sắp đến phần chứa câu trả lời.
Ngoài ra, vì đây là một bài nói chuyên nghiệp, trình tự bài nói luôn được người nói tổ chức có trình tự logic với các signposting words (cụm từ chỉ dẫn) giúp người nghe theo dõi dễ dàng hơn.
Trong ví dụ trên, thí sinh thấy rằng trước mỗi câu chứa đáp án đều có một cụm từ chuyển ý, trong quá trình nghe thí sinh nên chú ý vào các cụm từ nãy giúp việc tìm đáp án trở nên dễ dàng hơn. Hơn nữa, khi làm bài, nếu thí sinh nghe được hai từ nhưng không chắc đâu là đáp án chính xác, thí sinh ghi nhanh lại cả hai đáp án rồi tiếp tục theo dõi bài nghe, không nên dành thời gian suy nghĩ quá lâu. Sau khi nghe xong, thí sinh sẽ có khoảng thời gian để kiểm tra lại đáp án, khi đó thí sinh sẽ có thêm thời gian để đưa ra lựa chọn.
Ngoài ra, các đáp áp thường được người nói nhấn mạnh hơn trong bài nói, việc luyện nghe những từ được nhấn mạnh sẽ trở nên vô cùng hữu ích cho thí sinh. Trong giai đoạn ôn luyện, thí sinh thử không nhìn vào phần câu hỏi, chỉ nghe và ghi lại những từ được người nói nhấn mạnh trong suốt bài nghe, sau đó đối chiếu với đáp án trong sách. Khi đó, thí sinh sẽ ngạc nhiên khi phát hiện rằng họ ghi lại được nhiều đáp án nhờ vào việc chú trọng ngữ điệu và cách nói của tác giả.
Đối với các dạng điền từ, thí sinh nên viết in hoa tất cả đáp án để tránh những sai sót không đáng có.
Sau khi nghe
Sau khi nghe xong, thí sinh kiểm tra lại chính tả cho chính xác trước khi nộp bài.
Trong quá trình luyện đề, sau khi thí sinh làm xong bài thi nghe, thí sinh có thể không kiểm tra đáp án ngay. Thay vì kiểm tra đáp án trong sách, thí sinh hãy nghe đi nghe lại đoạn băng để tự tìm ra đáp án mà thí sinh chắc chắn là đúng. Nếu đã thực hiện bước này mà vẫn có câu chưa nghe ra được đáp án, thí sinh đánh dấu lại câu đó, kiểm tra và đối chiếu với đáp án trong sách và sau đó phân tích nguyên nhân tại sao thí sinh chưa nghe được để đi giải quyết vấn đề đó. Bước này vô cùng hữu ích trong việc giúp thí sinh nghe sâu và nghe kĩ hơn để tìm ra điểm yếu trong kĩ năng nghe của họ.
Những khó khăn khiến thí sinh không nghe được đáp án
Chưa nghe kịp tốc độ của người nói
Trong xu hướng ra đề hiện nay, một số phần trong đề thi thật có thể nhanh hơn so với các đề minh họa trong 16 bộ sách IELTS của Cambridge. Vì vậy, thí sinh cần luyện tập và làm quen khi nghe ở nhà với tốc độ 1.25 để huấn luyện tai và bộ não giúp thí sinh làm tốt dưới áp lực phòng thi hơn. Vì chỉ nghe được một lần nên nếu làm chủ được khía cạnh này thí sinh sẽ tự tin và có thể đạt kết quả cao hơn.
Chưa nghe được paraphrase
Sau mỗi lần làm bài, thí sinh lập bảng tóm tắt cách phần tóm tắt trong đề bài được paraphrase như thế nào so với bài nghe. Thí sinh có thể dựa vào mẫu dưới đây để giúp cải thiện kĩ năng nghe paraphrase, giúp ích cho tất cả các kĩ năng trong bài thi IELS. Dưới đây là phần ví dụ bảng paraphrase cho phần 4 của sách Cambridge IELTS 16 (test 1):
In the question | In the listening |
surprisingly well-known | most famous |
not being intended for publication | never wrote anything down for publication |
happiness could be achieved by leading a virtuous life | followers could have an unshakable happiness in this life and the key to achieving this was virtue |
controlling emotions was essential
| the road to virtue, in turn, lay in understanding that destructive emotions |
has a different view | has a different perspective |
organised a play | put on a play |
motivate his men | inspire his men |
Adam Smith’s ideas | Adam Smith’s theories |
the treatment for | used to treat |
base their thinking on logic | create our faulty thinking, symptoms and behaviours by using logic |
identifying obstacles as opportunity | Stoics teach turning obstacles into |
Không biết được danh từ cần điền là số ít hay số nhiều
Thí sinh nên dự đoán trước đáp án, nếu đáp án là danh từ, thí sinh cần lưu ý lắng nghe kĩ âm cuối để có thể đưa ra đáp án đúng. Ngoài ra, thí sinh có thể thống kê những từ mình thường làm sai thành một danh sách để dễ dàng ôn tập và tránh lặp lại lỗi sai tương tự trong tương lai. Đồng thời, việc tham khảo danh sách những danh từ không đếm được trong tiếng anh cũng rất hữu ích.
Chưa hiểu được câu chứa câu hỏi vì chưa có thời gian đọc
Thí sinh dựa trên các bí quyết làm bài mà tác giả đã chia sẻ ở trong bài viết để khắc phục vấn đề này.
Rơi vào bẫy của người ra đề
Một trong những bẫy thường gặp đó chính là người ra đề sẽ thay đổi cấu trúc của câu làm cho đáp án xuất hiện trước từ khóa, nếu thí sinh không tập trung hoặc quá phụ thuộc vào từ khóa và không chú trọng nghe paraphrase, thí sinh sẽ không tìm được đáp án. Ví dụ:
Không biết người nói đọc đến phần nào của phần tóm tắt
Đặc biệt đối với các thí sinh còn yếu về kĩ năng nghe, thí sinh có thể rơi vào tình huống mất phương hướng do từ vựng của chủ đề quá khó hoặc người nói nói quá nhanh. Trong phần này, thí sinh cần không ngừng nâng cao kĩ năng nghe nói chung để cải thiện kêt hợp với việc luyện tập thành thạo thủ thuật theo dõi từ toàn bộ phần tóm tắt, vừa nghe vừa gạch chân cụm từ trong phần tóm tắt mà tác giả đã trình bày.
Nghe không hiểu
Đề thi thường được thiết kế rất công phu và tinh tế với nhiều đáp án tương tự nhau khiến thí sinh dễ đưa ra đáp án không chính xác nếu không chú trọng đến việc nghe hiểu. Hãy cùng nhau xét ví dụ sau:
(Cambridge Ielts 12, Listening test 1, Part 4)
Trong câu 36, thí sinh sinh dễ dàng nhận thấy được đáp án cần điền là một tính từ miêu tả môi trường đô thị. Tuy nhiên, trong bài nghe, thí sinh nghe được hai tính từ tương tự nhau và nếu không hiểu được nội dung, thí sinh dễ dành đưa ra đáp án không chính xác:
Transcript: So what exactly do people want to hear in an urban environment? Some recent interdisciplinary research has come out with results that at first sight seem contradictory – a city needs to have a sense of activity, so it needs to be lively, with sounds like the clack of high heels on a pavement or the hiss of a coffee machine, but these mustn’t be too intrusive, because at the same time we need to be able to relax. (Q36)
Khi nghe được từ khóa urban environment, thí sinh biết người nói chuẩn bị đề cập câu trả lời cho câu 36. Tuy nhiên, ở đây có 2 tính từ có thể là đáp án: lively, intrusive. Do vậy, nếu không hiểu được nội dung phần nghe, thí sinh thường chọn đáp án intrusive vì thấy nó gần với cụm ‘but also allow people to relax” trong câu hỏi, nhưng đây không phải là đáp án chính xác. Chính vì thế, việc nâng cao kĩ năng nghe hiểu, nghe chi tiết, nghe nắm ý chính của thí sinh là vô cùng quan trọng.
Đưa ra đáp án khi chưa nghe hết nội dung phần đó
Đôi khi người nói sẽ thay đổi ý kiến hoặc đưa ra ý tưởng khác ưu việt hơn nên thí sinh cần nghe kĩ toàn bộ phần có liên quan đến khi người nói chuyển sang ý khác. Vì vậy, thí sinh cần nghe trọn vẹn ý rồi mới quyết định đáp án. Tuy nhiên, nếu có đáp án nào khiến thí sinh nghi ngờ, thí sinh ghi nhanh lại để sau đó đối chiếu, giúp tăng xác suất đưa ra câu trả lời đúng.
Tâm lí hoang mang khi chưa nghe được một câu nào đó
Nếu thi sinh bị bỏ mất một đáp án, thí sinh sẽ rất lo sợ và cố gắng nhớ lại bài nghe với hy vọng có thể tìm lại đáp án. Tuy nhiên, bài nghe thường rất nhanh và thí sinh nên tiếp tục theo dõi bài nói để không bị mất các câu hỏi sau. Vì vậy, thí sinh cần luyện tập sự bình tĩnh ở nhà và chuẩn bị tâm lí sẵn sàng bỏ qua nếu như bị bỏ mất thông tin cho một câu hỏi. Do vậy, thí sinh cần luyện tập cách ổn định tâm lí và duy trì sự tập trung trong các tình huống như thế khi còn luyện đề ở nhà.
Tổng kết
Bài viết minh họa chi tiết cách làm bài phần 4 trong bài thi nghe của IELTS, giúp thí sinh tự tin hơn chinh phục dạng bài này. Tuy nhiên, thủ thuật vẫn chỉ là thủ thuật và sẽ không thể nào giúp thí sinh tăng band điểm nếu thí sinh không áp dụng những chia sẻ trên của tác giả vào quá trình ôn luyện. Thí sinh có thể làm thử một bài nghe phần 4 theo cách mà mình hay làm, ghi lại đáp án đúng sau đó làm lại một bài khác dựa theo cách làm mà tác giả đã chia sẻ để có thể đánh giá được tính hiệu quả của từng phương pháp và có thể điều chỉnh lại cho phù hợp với bản thân.
- Chiến lược làm bài IELTS Listening
- Cách áp dụng note-taking vào Matching của IELTS Listening
- Một số kỹ thuật nghe quan trọng khi làm bài thi IELTS Listening
- Dạng đề Completion trong IELTS Listening và phương pháp làm bài – P3
- Dạng đề Completion trong IELTS Listening và phương pháp làm bài – P1
- Dạng đề Completion trong IELTS Listening và phương pháp làm bài – P2
- Phương pháp Note-taking là gì – Áp dụng vào dạng bài Multiple choice trong IELTS Listening
- Kỹ thuật note-taking trong IELTS Listening dạng Multiple Choice
- Chiến thuật tăng điểm IELTS Listening dạng bài Completion
- Cải thiện IELTS Listening hiệu quả thông qua những thói quen tốt
- Cách học IELTS Listening cấp tốc cho người không có thời gian và khó tập trung
Bình luận - Hỏi đáp