Một số kỹ thuật nghe quan trọng khi làm bài thi IELTS Listening
IELTS Listening là môt kỹ năng quan trọng đối với người học tiếng Anh, đóng vai trò trực tiếp đối với quá trình tiếp nhận thông tin của người học. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu tới người đọc một số kỹ thuật nghe – phán đoán ngữ cảnh và nắm bắt nội dung chính. Bên cạnh đó, tác giả cũng hướng dẫn người học luyện tập với phương pháp nêu trên để đạt được tiến bộ khi nghe nói chung cũng như ứng dụng kỹ thuật nghe cải thiện điểm số trong IELTS Listening nói riêng.
Đọc thêm: IELTS Listening: Các chiến lược nghe hiểu cho người mới bắt đầu (P.1)
Khái quát chung
Mục tiêu của giao tiếp, đặc biệt đối với hai kỹ năng nghe – nói chính là truyền tải một thông điệp cụ thể từ người nói đến người nghe. Để đạt được mục tiêu đó, những thông tin mà người nói đưa ra cần phải có tính tập trung cao và không tách rời nội dung chính của thông điệp họ muốn nói. Chẳng hạn, trong một bản tin kinh tế, để cập nhật cho khán giả những tin tức về kinh tế trong ngày, người dẫn chương trình cần phải đưa ra những nội dung liên quan đến hoạt động trao đổi thương mại, buôn bán, sử dụng các thuật ngữ kinh tế, chỉ số, số liệu… Việc biết được người nói đang đề cập đến vấn đề gì cũng như ngữ cảnh của bài nghe là bước quan trọng đầu tiên trong quá trình tiếp nhận thông tin ở phía người nghe.
Theo British Council, ngữ cảnh (context) là tình huống của bài nghe, người nghe càng hiểu rõ ngữ cảnh, họ càng hình dung rõ hơn về về những nội dung mà mình đang nghe. Thông qua việc hiểu bài nghe đang diễn ra trong tình huống như thế nào hay xoay quanh chủ đề gì, người học có thể phán đoán được những loại thông tin hoặc những từ vựng liên quan có khả năng xuất hiện trong bài. Do đó, quá trình nghe trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt là khi người học làm bài kiểm tra năng lực nghe – hiểu, kỹ thuật này giúp nâng cao xác suất trả lời đúng.
Đọc thêm: Ứng dụng phương pháp Context clues cải thiện kỹ năng đọc hiểu – Phần 1
Hướng dẫn áp dụng kỹ thuật phán đoán ngữ cảnh và nghe hiểu nội dung chính
Để phán đoán ngữ cảnh cũng như nắm bắt nội dung chính của bài nghe, người học có thể dựa vào các từ có giá trị thông tin trong bài nghe (danh từ, động từ, tính từ) để tổng hợp được bức tranh toàn cảnh về nội dung nghe.
Ví dụ: Trong một chương trình TV, người học nghe được các từ như “the sun” (mặt trời), “cloud” (mây), “windy” (có gió) hoặc “high/low temporature” (nhiệt độ cao/ thấp), rất có khả năng người học đang nghe một bản tin dự báo thời tiết. Việc nghe và kiểm chứng xem các từ trong bài có cùng thuộc một trường từ vựng theo chủ đề trong IELTS là một cách tốt để xác định ngữ cảnh và nội dung chính.
Trong bối cảnh trong phòng thi, trước khi nghe, người học sẽ được cung cấp danh sách các câu hỏi liên quan đến bài nghe và có một khoảng thời gian ngắn để chuẩn bị. Trong lúc đó, việc gạch chân các từ khóa xuất hiện trong câu hỏi đóng vai trò đặc biệt quan trọng, giúp người học kết nối được các thông tin với nhau để hình dung được nội dung bài nghe hoặc cách sắp xếp thông tin, bố cục bài nghe…từ đó, có sự chuẩn bị tốt nhất.
Ví dụ: Phần câu hỏi dưới đây được trích ra từ cuốn Cambridge IELTS 10, Test 4
Một số những từ khóa quan trọng là “uses of nanotechnology” (ứng dụng của công nghệ nano), “transport” (giao thông); “technology” (công nghệ); “environment” (môi trường) có thể cho người học biết nội dung mà họ sắp nghe là về việc sử dụng công nghệ nano trong nhiều lĩnh vực khác nhau và thứ tự nói của các lĩnh vực đó trong bài là giao thông, công nghệ và môi trường. Từ đó, người học có sự chuẩn bị trước cho một số từ vựng liên quan có thể xuất hiện. Chẳng hạn, trong phần nói về giao thông, người học sau khi gạch chân các từ khóa cho mỗi câu hỏi có thể nghĩ đến các loại hình giao thông có thể áp dụng công nghệ nano chẳng hạn như “train”, “car” hay “space travel”…
Phương pháp luyện tập kỹ thuật nghe ứng dụng trong IELTS Listening
Để luyện tập kỹ thuật nghe hiểu ngữ cảnh và ý chính của bài nghe IELTS Listening, người học có thể áp dụng một số cách như sau:
Thứ nhất, sử dụng một số video trên youtube để cải thiện kỹ năng IELTS Listening, sau khi nghe một số câu nhất định, người học có thể dừng lại và đoán xem người nói sẽ nói gì trong những câu tiếp theo.
Ví dụ: Sau đây là phần hướng dẫn từ một video với tiêu đề “The secret of being a successful freelancer” (Bí mật để trở thành một người làm việc tự do thành công), tại phút thứ 1:02 của video, thông tin mà người nói đưa ra như sau:
“I’m not struggling anymore, and I’ve learned a lot since being a financial planner, and I just wanted to share that knowledge. So here’s what I’ve learned and done.” (Tôi đã không còn phải vật lộn nữa, tôi cũng đã học được nhiều từ việc trở thành một nhà hoạch định tài chính và tôi muốn chia sẻ những kiến thức đó. Vì vậy, đây là những gì mà tôi đã học và làm)
Dựa vào thông tin vừa nghe được, người học có thể đoán được trong phần tiếp theo, người nói sẽ đề cập đến vấn đề gì. Theo đó, người nói có thể liệt kê những kiến thức bổ ích và diễn giải các thông tin đó theo thứ tự từ trên xuống dưới.
Thứ hai, sau mỗi bài nghe, nên xem kỹ phần transcript và ghi chép lại cẩn thận các từ vựng thuộc cùng một chủ đề của bài nghe và cố gắng đọc, ghi nhớ. Những từ này sẽ giúp người học nghe hiểu và phán đoán nội dung tốt hơn đối với những bài nghe ở chủ đề tương tự.
Đọc thêm: Ứng dụng phương pháp ghi nhớ Keyword vào việc học từ vựng tiếng Anh
Ví dụ: Sau đây là phần transcript của phần 2, test 3, Cambridge IELTS 10 nói về một tổ chức bảo vệ động vật. Một số từ vựng mà người học có thể ghi nhớ trong trường tự vựng về chủ đề “environment” (môi trường) chẳng hạn như: “marine creatures” (sinh vật biển); “animal protection” (bảo tồn động vật); “raise people’s awareness” (nâng cao ý thức của mọi người); “animal charities” (trại bảo hộ động vật); “campaign” (chiến dịch); “fishing policy” (chính sách đánh bắt cá).
Cuối cùng, luyện tập thường xuyên là yếu tố đặc biệt quan trọng để tăng cường phản xạ nghe và khả năng nghe-hiểu tiếng Anh. Người học nên dành một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày luyện nghe tiếng Anh tự do ở bất cứ chủ đề nào mà bản thân yêu thích. Khi làm các bài kiểm tra nghe tiếng Anh, người học nên chọn các nguồn tài liệu luyện IELTS Listening nghe chính thống từ Cambridge để luyện tập kỹ năng làm bài thi IELTS Listening. Trước khi nghe, người học cần đọc lướt, gạch chân từ khóa cũng như phân tích kỹ câu hỏi trước khi nghe nhằm hình dung được chủ đề của bài thi. Sau khi nghe, người học nên dành thời gian nghiên cứu lại phần transcript nhằm ghi nhớ những từ vựng thuộc chủ đề bài nghe, những từ này có thể giúp họ nâng cao khả năng nghe hiểu trong các lần làm bài sau.
Đọc thêm: Sử dụng transcript trong luyện tập IELTS Listening Part 3
Tổng kết
Nghe đóng quan trọng không chỉ trong các kỳ thi tiếng Anh như thi IELTS mà còn trong các tình huống giao tiếp hàng ngày. Do đó, người học cần dành cho kỹ năng này sự lưu tâm đặc biêt. Bài nghiên cứu đã giới thiệu kỹ thuật IELTS Listening phán đoán ngữ cảnh và nghe hiểu nội dung chính, cũng như nêu ra phương pháp luyện tập để ứng dụng kỹ thuật nghe vào IELTS Listening.
Chu Minh Thùy
- Chiến lược làm bài IELTS Listening
- Cách áp dụng note-taking vào Matching của IELTS Listening
- Một số kỹ thuật nghe quan trọng khi làm bài thi IELTS Listening
- Dạng đề Completion trong IELTS Listening và phương pháp làm bài – P3
- Dạng đề Completion trong IELTS Listening và phương pháp làm bài – P1
- Dạng đề Completion trong IELTS Listening và phương pháp làm bài – P2
- Phương pháp Note-taking là gì – Áp dụng vào dạng bài Multiple choice trong IELTS Listening
- Kỹ thuật note-taking trong IELTS Listening dạng Multiple Choice
- Chiến thuật tăng điểm IELTS Listening dạng bài Completion
- Cải thiện IELTS Listening hiệu quả thông qua những thói quen tốt
- Cách học IELTS Listening cấp tốc cho người không có thời gian và khó tập trung
Để đánh giá chính xác trình độ IELTS hiện tại của bản thân, tham gia thi thử IELTS tại ZIM Academy với format bài thi chuẩn thi thật.
Bình luận - Hỏi đáp