Phương pháp quản lý thời gian trong bài thi IELTS Listening

Bài viết sẽ giới thiệu một số cách mà người học có thể áp dụng để quản lý thời gian một cách tốt hơn khi làm bài thi IELTS Listening.
author
Trần Xuân Đạo
02/02/2023
phuong phap quan ly thoi gian trong bai thi ielts listening

Bài thi IELTS chưa bao giờ là dễ dàng dù bạn là người học tiếng Anh có trình độ cao đi chăng nữa. Một lý do đó là áp lực về thời gian trong phòng thi là rất lớn. Có nhiều người bày tỏ quan điểm rằng việc quản lý thời gian chỉ cần thiết cho bài thi Writing và Reading vì thí sinh dễ dàng rơi vào tình trạng dành quá nhiều thời gian vào một phần nào đó trong bài thi và rồi không còn đủ thời gian để xử lý phần cuối của bài Đọc hay bài Viết. Họ cho rằng bài thi Listening thì chỉ cần vừa làm vừa nghe theo bài nghe nên không cần phải quản lý thời gian, chỉ cần tập trung là đủ. Tuy nhiên, từ trải nghiệm thi cử của bản thân, sự thành công của người làm bài thi Nghe tốt có lẽ một phần nằm ở việc họ tận dụng thời gian được cho trong bài thi một cách hiệu quả hơn.

Key Takeaways

Về cấu trúc, bài thi nghe Listening bao gồm 4 phần: 3 phần đầu sẽ có thời gian 45 giây để đọc các câu hỏi ở nửa đầu của phần thi, sau đó là 30 giây ở giữa phần thi để đọc nhóm câu hỏi ở nửa sau và 30 giây cuối để xem lại các đáp án của mình đã chọn. Riêng phần thi thứ 4 không có khoảng thời gian 30 giây ở giữa để đọc nhóm câu hỏi sau.

Về các lời khuyên, thí sinh nên:

  • Dành mọi khoảng thời gian được cho để đọc câu hỏi (tìm từ khoá, tưởng tượng paraphrase và thậm chí là đoán đáp án). Mọi khoảng thời gian bao gồm: thời gian giới thiệu đầu bài thi, thời gian được cho để đọc câu hỏi và cả thời gian để dò lại các câu hỏi đã làm.

  • Có thể đọc câu hỏi ở phần tiếp theo nếu kịp vì khi làm vậy sẽ kịp đọc trước câu hỏi cho phần 4, giúp làm phần này tốt hơn.

  • Nên dùng khoảng thời gian được cho để dò lại các câu hỏi đã làm để đọc câu hỏi ở phần sau, và dò lại các câu đã làm ở khoảng thời gian chuyển đáp án cuối bài thi.

  • Thời gian chuyển đáp án cuối bài thi nên được tận dụng để vừa chuyển đáp án, vừa dò lỗi sai chính tả cũng như quyết định các câu hỏi còn phân vân.

  • Để sử dụng thời gian tốt hơn, thí sinh cũng cần hiểu các dạng bài từ đó hiểu rõ mình cần phải làm gì ở bất kỳ thời điểm nào trong phòng thi.

  • Cuối cùng, thí sinh nên tập đọc nhanh hơn để thời gian trôi qua một cách hiệu quả hơn.

Thông tin tổng quan về kỳ thi IELTS Listening

Dưới đây là thông tin tổng quan về thời gian và cấu trúc của các phần trong bài thi Listening.

Đầu tiên, bài thi Listening bao gồm 4 phần (4 parts/sections) với độ dài khác nhau nhưng đều có 10 câu hỏi. Trong ba phần đầu của bài thi, bài nghe (audio) sẽ có một đoạn nghỉ ở giữa dài 30 giây (thường là sau 4 hoặc 5 câu hỏi đầu) để người đọc có thời gian đọc trước các câu hỏi phía dưới. Phần 4 của bài thi (Part 4), thì không có đoạn nghỉ ở giữa này. Thay vào đó, bài nghe trong phần 4 này chỉ có một khoảng nghỉ ngắn khoảng chừng 5 giây ở giữa.

Một cách chi tiết hơn, bài thi Nghe bắt đầu bằng một phần giới thiệu ngắn và một số hướng dẫn (instructions) giống như các đề nghe trong Cambridge.

Sau đó, bài thi bắt đầu vào phần 1. Người nói (narrator) bắt đầu bằng việc giới thiệu nội dung của bài nghe trong phần này và sau đó thí sinh sẽ được cho một khoảng thời gian khoảng 45 giây để đọc câu hỏi. Sau khoảng thời gian này, bài nghe bắt đầu và thí sinh bắt đầu nghe và trả lời câu hỏi.

Lưu ý, trước đây bài thi nghe thường bắt đầu bằng một phần ví dụ (example) như trong các đề Nghe trong các sách Cambridge IELTS 14 trở về trước, nhưng phần này đã bị lược bỏ đi và bài thi nghe hiện nay đã không còn phần example này nữa. Điều này tương đương với việc thí sinh mất đi khoảng 30 giây để đọc đề và chuẩn bị cho việc lắng nghe.

Sau khi nghe và trả lời xong phần đầu của Part 1, thí sinh có khoảng 30 giây để đọc câu hỏi cho phần sau của Part 1. Sau đó, thí sinh nghe bài nghe và trả lời các câu hỏi này.

Sau khi kết thúc phần 1, người thi được cho 30 giây (half a minute) để kiểm tra các đáp án đã điền trước khi chuyển qua phần nghe tiếp theo.

Tham khảo thêm: Cấu trúc và các dạng bài IELTS Listening thường gặp

Thông tin tổng quan về kỳ thi IELTS Listening

Ảnh: cấu trúc cơ bản về thời gian được cho trong một phần của bài thi Listening

Bài nghe tiếp tục với quy trình tương tự cho các phần sau. Có một chút khác biệt ở phần 4 như đã nói ở trên đó là người thi không được cho khoảng thời gian ở giữa bài thi để đọc qua các câu hỏi ở phần sau của Part 4. Cuối phần 4, thí sinh vẫn được cho 30 giây để kiểm tra các đáp án mà mình đã chọn của phần này.

Cuối phần thi, thí sinh sẽ được cho một khoảng thời gian để chuyển đáp án của mình vào tờ điền đáp án (answer sheet). Đối với người thi IELTS trên giấy (paper-based), phần này kéo dài 10 phút nhưng đối với bài thi IELTS trên máy tính (computer-delivered IELTS) nó chỉ dài 3 phút do thí sinh không cần chuyển đáp án ra tờ điền đáp án riêng, mà chỉ cần dò lại lần cuối các đáp án trên máy trước khi hết giờ thi.

Cấu trúc cơ bản về thời gian được cho trong toàn bộ bài thi Listening

Ảnh: Cấu trúc cơ bản về thời gian được cho trong toàn bộ bài thi Listening

Trên đây là toàn bộ quy trình của bài thi IELTS Listening. Một điều cần chú ý đó là, khoảng thời gian được đề cập ở mỗi phần bên trên là giống nhau bất kể người thi gặp phải dạng bài gì. Đối với các dạng bài điền từ vào form hoặc notes, có thể người thi sẽ thoải mái xem qua câu hỏi với 30 hay 45 giây nhưng giả sử người thi gặp phải dạng bài trắc nghiệm (multiple choice questions & pick from a list) hay dạng bài matching với các sự lựa chọn rất dài, rõ ràng thì thí sinh sẽ gặp không ít khó khăn để kịp thời xem qua tất cả. Vì trong bài thi Nghe IELTS, thí sinh chỉ được nghe một lần duy nhất, điều này khiến cho việc trả lời đúng câu hỏi mà họ chưa kịp xem qua đó trở nên khó hơn rất nhiều.

Một vấn đề nữa đó là làm sao để kịp đọc qua các câu hỏi trong nửa sau ở phần 4? Rõ ràng phần 4 trong bài thi nghe, tuy thường là dạng điền notes, nhưng không dề dễ dàng một chút nào và thậm chí là cực kỳ khó khăn, kể cả đối với các cao thủ Listening, nếu như không kịp đọc trước. So sánh giữa một bên là chưa kịp đọc qua và phải trả lời luôn và một bên đã kịp đọc qua và nhận diện được các từ khoá chính của câu hỏi để sẵn sàng trả lời thì trường hợp thứ hai sẽ đem lại kết quả tốt hơn nhiều. Giá trị của 1 câu đúng trong bài thi Nghe là không phải bàn cãi: hãy tưởng tượng bạn đạt 34 câu đúng và đạt 7.5 thay vì 35 câu và đạt 8.0.

Việc quản lý thời gian không tốt sẽ dẫn đến việc làm bài không đạt hiệu quả tối đa do luôn rơi vào tình huống không kịp xem trước câu hỏi, đặc biệt ở các phần 3 và 4 trong bài thi. Phần dưới đây sẽ cung cấp một số lời khuyên để người thi áp dụng và sử dụng khoảng thời gian được cho một cách hiệu quả hơn.

Các phương pháp quản lý thời gian

Các phương pháp để quản lý thời gian tốt hơn khi thi Nghe

Luôn tận dụng tất cả thời gian được cho để đọc câu hỏi, thậm chí là đọc trước phần kế tiếp.

Luôn đọc trước câu hỏi
Lời khuyên đầu tiên và quan trọng nhất đó là thí sinh hãy sử dụng mọi khoảng thời gian được cho để đọc trước các câu hỏi. Việc đọc trước ở đây mang nghĩa người đọc đọc qua câu hỏi, nhanh chóng xác định từ khoá cũng như định hình trong đầu được nội dung cơ bản của bài nghe. Điều này sẽ giúp người thi làm bài tốt hơn. "Mọi khoảng thời gian được cho" bao gồm thời gian giới thiệu bài test ở đầu bài thi, thời gian được cho ở đầu mỗi phần (45s) ở giữa (30s) và cả ở cuối (30s) mỗi phần. Tất cả thời gian được cho này nên được dùng để đọc câu hỏi và xác định từ khoá, hình dung ra các cách paraphrases khác nhau mà bài thi có thể sẽ sử dụng, so sánh sự khác nhau giữa các lựa chọn hay thậm chí đoán thử một số đáp án cho bài điền từ.

Một điều mà người thi có thể áp dụng nữa đó là đọc trước câu hỏi ở phần kế tiếp. Việc liên tục đọc trước ở cả phần tiếp theo sẽ cho phép người thi kịp đọc qua các câu hỏi ở phần 4. Hơn nữa, nếu như phần 1 có nội dung không quá xa lạ hoặc nội dung không quá dài và người đọc có thể hoàn thành nhanh chóng trước khi kết thúc được cho, đừng lãng phí khoảng thời gian quý báu còn dư này mà hãy nhanh chóng xem qua Part 2 luôn. Tuy nhiên, không phải thí sinh nào khi áp dụng lời khuyên này cũng đem lại kết quả tích cực vì điều này có thể sẽ khiến người thi bị rối và quên mất những gì đã đọc ở phần trước. Có thể đối với một số bạn, chỉ tập trung đọc câu hỏi sắp nghe sẽ hiệu quả hơn. Dẫu vậy, nếu không đọc trước hay đọc vượt các phần phía sau thì khó để người thi kịp đọc toàn bộ câu hỏi của phần 4 trước khi nghe. Do đó, trong quá trình ôn tập đây có thể là một chiến thuật đáng để thử để biết được nó có hợp với mình hay không.

Trong hai lần thi đạt 9.0 Listening của tác giả, thậm chí tác giả đã không xem qua Part 1 trong thời gian được cho để xem qua câu hỏi (do nó là dạng bài điền forms với chủ yếu là các thông tin đơn giản như Name, Post code, Occupation,...) mà bắt đầu bằng việc đọc trước Part 2 và chỉ xem qua phần 1 khi bài nghe của phần 1 bắt đầu chạy. Dẫu vậy, chỉ nên làm điều này nếu như người học đã quen với đề thi IELTS Listening và có thể xử lý Part 1 mà không gặp nhiều khó khăn để tránh việc mất điểm ở Part 1 một cách đáng tiếc.

“Đừng” dò lại các đáp án đã điền!

Nghe thật lạ nhưng lời khuyên ở đây là, cuối mỗi phần các bạn được cho 30 giây để dò lại đáp án nhưng từ góc nhìn của mình, khoảng thời gian này tốt nhất vẫn là nên dành cho việc đọc qua câu hỏi ở phần tiếp theo. Các câu hỏi đã điền thì rất ít khi thi sinh còn nhớ được các chi tiết để thay đổi qua đáp án khác. Điều quan trọng lúc này là hướng tới các câu hỏi còn ở phía trước.

Nói như vậy không có nghĩa là không nên dò lại đáp án đã điền của mình, mà việc này nên tiến hành ở khoảng thời gian được cho cuối phần 4 và ở thời gian chuyển đáp án sang giấy.

Đối với một số câu hỏi mà thí sinh còn phân vân giữa các đáp án mà chưa đưa ra được sự lựa chọn cuối cùng cho mình thì thí sinh cũng nên chọn ngay hoặc gác lại sự phân vân của mình và lựa chọn sau (nếu thí sinh có áp dụng phương pháp Note-taking khi nghe) và tiếp tục đọc tiếp các câu hỏi ở phần tiếp theo. Thời gian dường như trôi nhanh hơn khi ta phân vân giữa hai đáp án!

Đừng dò lại các đáp án đã điền

Tận dụng thời gian được cho để 'transfer' đáp án

Việc điền đáp án qua giấy nên đi kèm với việc kiểm tra các đáp án của mình có mắc lỗi chính tả hay không, các danh từ cần viết hoa như January đã được viết hoa hay chưa... Bên cạnh đó, khoảng thời gian này cũng là lúc thí sinh đưa ra đáp án của mình cho các đáp án còn phân vân.

Hiểu các dạng bài sẽ giúp quản lý thời gian tốt hơn

Một lời khuyên nữa đó là người học nên học theo dạng bài và học kỹ các bước tiến hành làm. Điều này giúp cho người học luôn có định hướng, luôn biết phải làm gì khi đọc trước câu hỏi.

Ví dụ ở phần 2 của bài thi, thí sinh A được cho dạng bài Maps. Vì đã học cách làm dạng bài Map nên thí sinh này ngay lập tức nghiên cứu bản đồ được cho, để ý các tên đường cũng như tên các địa điểm nổi bật (landmarks) có trong bản đồ, và dành chỉ một chút thời gian để xem qua tên các địa điểm trong các câu hỏi. Tóm lại, hiểu được các dạng bài và nắm được điều cần thiết phải làm ở từng dạng bài sẽ giúp người thi sử dụng khoảng thời gian ít ỏi của mình một cách tốt hơn.

Hiểu các dạng bài sẽ giúp quản lý thời gian tốt hơn

Luyện tập đọc nhanh

Luyện tập đọc nhanh

Để biến khoảng thời gian đọc câu hỏi 45 giây (đầu) - 30 giây (giữa) - 30 giây (cuối) mỗi phần trở nên hiệu quả nhất thì người thi cần đọc nhanh. Như đã đề cập bên trên thì không những người thi cần đọc kịp các câu hỏi trong 1 Part mà thậm chí còn cần đọc vượt sang Part tiếp theo với mục đích chính là kịp đọc Part 4.

Để tăng tốc độ, người thi có thể luyện tập bằng cách đưa mắt theo cụm từ thay vì từng từ một. Việc đọc nhanh cũng có thể được cải thiện nhờ vào việc xác định các từ khoá chính (key words - content words) trong câu một cách nhanh chóng.

Tổng kết

Tổng Kết

Qua bài viết này, hy vọng rằng độc giả có thể áp dụng được các biện pháp được đề cập để quản lý thời gian tốt hơn khi làm bài thi IELTS Listening, một trong những bài thi tưởng như không cần quá chú trọng vào việc quản lý thời gian nhưng thực tế điều đó lại rất cần thiết.

Tài liệu trích dẫn

“Before You Listen.” LearnEnglish Teens, learnenglishteens.britishcouncil.org/exams/listening-exams/before-you-listen.

Để rút ngắn thời gian học tập, đạt điểm IELTS trong thời gian gấp rút. Người học có thể tham gia ôn thi IELTS cấp tốc tại ZIM để được hỗ trợ tối đa, cam kết đạt kết quả đầu ra.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (2 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu