Banner background

6 loại động từ trong tiếng Anh

Bài viết đề cập về 6 loại động từ trong tiếng Anh bao gồm: Monotransitive verbs, intransitive verbs, ditransitive verbs, intensive verbs, complex transitive verbs, prepositional verbs.
6 loai dong tu trong tieng anh

Động từ là một trong những thành phần quan trọng nhất của câu đối với hầu hết các ngôn ngữ. Ngoài việc hiểu nghĩa của một động từ, người học cần nắm rõ được cách sử dụng của động từ đó trong câu, cụ thể như nó có thể đứng một mình mà không cần một từ bổ nghĩa nào hay không.

Trong quá trình học tiếng Anh, ắt hẳn có nhiều người đã mắc phải những lỗi sai về ngữ pháp khi cố gắng dịch câu từ tiếng Việt sang tiếng Anh, đặc biệt là những lỗi sai liên quan tới việc dùng động từ.

Bài viết dưới đây sẽ giúp người đọc hiểu tường tận về các 6 dạng động từ (verb) trong tiếng Anh và cách phân biệt chúng.

Key takeaways

6 loại động từ trong tiếng Anh bao gồm:

  • Monotransitive verbs (ngoại động từ cần một tân ngữ) là những động từ yêu cầu một tân ngữ.

  • Intransitive verbs (nội động từ) là những động từ có thể đứng một mình và không yêu cầu một tân ngữ đứng sau.

  • Ditransitive verbs (ngoại động từ cần hai tân ngữ) là những động từ yêu cầu hai tân ngữ.

  • Intensive verbs (động từ nối) là những động từ yêu cầu một bổ ngữ cho chủ ngữ (subject-predicative).

  • Complex transitive verbs là những động từ yêu cầu một tân ngữ và một bổ ngữ cho tân ngữ (object-predicative) theo sau.

  • Prepositional verbs (động theo sau bởi giới từ) là những động từ yêu cầu một bổ ngữ theo sau và bổ ngữ này phải là một cụm giới từ.

  • Tân ngữ (Object) là những đối tượng chịu tác động của động từ.

  • Bổ ngữ là thành phần bổ sung ý nghĩa cho chủ ngữ hoặc tân ngữ.

6 loại động từ trong tiếng Anh.

Monotransitive verbs (Ngoại động từ cần một tân ngữ)

Monotransitive verbs (ngoại động từ cần một tân ngữ) là những động từ yêu cầu một danh từ, một cụm danh từ hoặc đại từ đi theo sau để bổ nghĩa cho nó. Danh từ, cụm danh từ hoặc đại từ này đóng vai trò là một tân ngữ trực tiếp của động từ. (N.B.Roberts- 2016).

Ví dụ:

  • I like bananas. (Tôi thích chuối)

  • My mother is making a cake. (Mẹ tôi đang làm bánh)

Trong hai câu trên, động từ likemake cần một tân ngữ theo sau để thể hiện rõ ý thích cái gì hoặc làm cái gì.

Công thức ngữ pháp của monotransitive verbs: S + Monotransitive verb + O.

Dưới đây là một số ví dụ của monotransitive verbs:

Động từ

Công thức ngữ pháp

have /hæv/

  • have something (Có cái gì)
    I have a car.

write /raɪt/

  • Write something (Viết cái gì)
    She wants to write a song.

borrow /ˈbɔːrəʊ/

  • Borrow something (Mượn cái gì)
    Can I borrow your phone?

discuss /dɪˈskʌs/

  • discuss something (bàn về cái gì)
    We need to discuss the problem.

send /send/

  • send something (Gửi cái gì)
    Let me send this email.

Xem thêm:

Intransitive verbs (Nội động từ)

Intransitive verbs (nội động từ) là những động từ có thể đứng một mình và không yêu cầu một tân ngữ đứng sau nó nhưng câu vẫn mang đầy đủ ý nghĩa. (N.B.Roberts- 2016)

Ví dụ:

  • She cried. (Cố ấy khóc)

  • They left. (Mẹ tôi đang làm bánh)

Động từ criedleft (ở thì quá khứ) trong hai ví dụ trên không cần bất kì một danh từ hay cụm danh từ theo sau nhưng câu vẫn mang đầy đủ ý nghĩa.

Tuy nhiên nội động từ có thể được theo sau bởi trạng từ hoặc cụm trạng từ. Ví dụ They left yesterday thì yesterday ở đây không phải là tân ngữ mà là một trạng từ chỉ thời gian, người học có thể bỏ đi mà câu vẫn đúng ngữ pháp vì trạng ngữ là một thành phụ của câu.

Công thức ngữ pháp của intransitive verbs: S + Intransitive verb.

Dưới đây là một số ví dụ của intransitive verbs:

Động từ

Ví dụ

run /rʌn/ (chạy)

He usually runs in the park.

die /daɪ/ (chết)

Nobody wants to die.

laugh /læf/ (cười)

She just laughed.

go /ɡəʊ/ (đi)

Where are you going?

sleep /sliːp/ (ngủ)

I can’t sleep.

Xem thêm:

Quy tắc hoà hợp chủ ngữ và động từ trong câu

Cách khắc phục lỗi lỗi double verbs thường gặp

Ditransitive verbs (Ngoại động từ cần hai tân ngữ)

Ditransitive verbs (ngoại động từ cần hai tân ngữ) là những động từ yêu cầu hai tân ngữ, một tân ngữ trực tiếp và một tân ngữ gián tiếp. (N.B.Roberts- 2016)

Ví dụ:

  • John gave me a book.

(John đưa cho tôi một cuốn sách)

Trong ví dụ trên, me là tân ngữ gián tiếp còn a book là tân ngữ trực tiếp chịu tác động của động từ give. Tân ngữ trực tiếp có thể đứng sau hoặc trước tân ngữ gián tiếp, nếu tân ngữ trực tiếp đứng trước tân ngữ gián tiếp thì ở giữa hai tân ngữ sẽ có giới từ to hoặc for.

Ví dụ:

  • My mother bought me a pen hoặc My mother bought a pen for me.

(Mẹ tôi mua cho tôi một cây viết)

  • David sent me a message hoặc David sent a message to me.

(David gửi cho tôi một tin nhắn)

Nếu như tân ngữ gián tiếp là người nhận (recipient) hoặc là điểm cuối của hành động đó thì người nói sẽ dùng to, còn nếu tân ngữ gián tiếp là người hưởng lợi (beneficiary) từ hành động đó thì người học sẽ dùng for.

Ví dụ:

  • They lent a book to him.

(Họ cho anh ấy mượn một cuốn sách)

  • He sang a song for me.

(Anh ấy hát cho tôi nghe)

Tuy nhiên, để chắc chắn hơn, cách tốt là sử dụng từ điển để biết chính xác khi nào dùng tofor.

Công thức ngữ pháp của ditransitive verbs:

  • S + ditransitive verb + tân ngữ gián tiếp + tân ngữ trực tiếp.

  • S + ditransitive verb + tân ngữ trực tiếp + to/for + tân ngữ gián tiếp.

Dưới đây là một số ví dụ của ditransitive verbs:

Động từ

Công thức ngữ pháp

buy /baɪ/

  • buy somebody something (Mua cho ai cái gì)

  • buy something for somebody (Mua cái gì cho ai)
    He bought me a new coat.

give /ɡɪv/

  • give somebody something (Đưa cho ai cái gì)

  • give something to somebody (Đưa cái gì cho ai)
    I gave her my phone number.

tell /tel/

  • tell somebody something (Nói cho ai cái gì)

  • tell something to somebody (Nói cái gì cho ai)
    They told me their story.

show /ʃəʊ/

  • show somebody something (Cho ai xem cái gì)

  • show something to somebody (Cho ai xem cái gì)
    She wants to show him her new car.

sell /sel/

  • sell somebody something (Bán cho ai cái gì)

  • sell something to somebody (Bán cái gì cho ai)
    I sold my car to James.

Tham khảo thêm:

5 thì động từ thường dùng trong bài thi IELTS Writing

Intensive verbs (Động từ nối)

Intensive verbs là những động từ yêu cầu một bổ ngữ theo sau, bổ ngữ này có thể là một cụm danh từ, tính từ hoặc giới từ. Những cụm từ này bổ nghĩa trực tiếp cho chủ ngữ của câu. (N.B.Roberts- 2016)

Ví dụ:

  • I am a teacher.

(Tôi là một giáo viên)

A teacher chính là bổ ngữ của chủ ngữ I, động từ am đóng một vai trò kết nối giữa chủ ngữ và bổ ngữ của nó.

Lưu ý: Phân biệt tân ngữ của động từ (Object) và bổ ngữ của chủ ngữ ( Subject predicative):

  • I do homework —> Trong câu này, homework chịu sự tác động của động từ do (làm cái gì? - Làm bài tập) nên nó được gọi là tân ngữ của động từ.

  • She is beautiful —> Trong câu này, beautiful đang bổ nghĩa cho từ she (cô ấy xinh đẹp) nên nó được gọi là bổ ngữ của chủ ngữ.

  • Ngoài ra tân ngữ chỉ có thể là một danh từ, đại từ hoặc cụm danh từ còn bổ ngữ của chủ ngữ có thể là (cụm) danh từ, tính từ hoặc giới từ.

Intensive verbs còn được gọi là linking verbs - loại động từ không mô tả hành động mà chỉ diễn tả trạng thái hoặc bản chất của sự việc, sự vật.

Công thức ngữ pháp của intensitive verbs: S + Intensitive verb + (Cụm) danh từ/tính từ/giới từ.

Dưới đây là một số ví dụ của intensitive verbs:

Động từ

Ví dụ

Is/am/are

She is a teacher.

seem /siːm/ (có vẻ)

He seems disappointed.

feel /fiːl/ (cảm thấy)

They feel tired.

taste /teɪst/ (có vị)

This drink tastes good.

become /bɪˈkʌm/ (trở nên)

Mary wants to become a teacher.

Complex transitive verbs (Ngoại động từ phức).

Complex transitive verbs là những động từ yêu cầu một tân ngữ (object) và một bổ ngữ của tân ngữ (object-predicative) theo sau. Bổ ngữ của tân ngữ có thể là một (cụm) danh từ, tính từ, hoặc giới từ. (N.B.Roberts- 2016)

Ví dụ:

  • I put the book on the table. (Tôi đặt cuốn sách lên bàn)

Trong ví dụ trên, the book chính là tân ngữ của động từ, chịu sự tác động trực tiếp của động từ, còn on the table chính là bổ ngữ của the book (cuốn sách ở trên bàn).

  • They elected Trump the new president. ( Họ bầu Trump làm tổng thống mới)

Trong câu trên, Trump là tân ngữ còn the new president là bổ ngữ của tân ngữ.

Lưu ý: Phân biệt complex transitive verbs và ditransitive verbs:

Mặc dù hai loại động từ này đều cần hai thành tố theo sau, tuy nhiên ditransitive verbs yêu cầu 2 tân ngữ, một tân ngữ gián tiếp và một tân ngữ trực tiếp, cả hai đều chịu sự tác động của động từ.

Ví dụ:

  • He gave me his phone. ( Đưa cho ai? Đưa cái gì?)

Còn complex transitive verbs yêu cầu chỉ một tân ngữ và một bổ ngữ cho tân ngữ đó

  • He made me angry. (Khiến cho ai tức giận? Ai như thế nào?)

Công thức ngữ pháp của complex transitive verbs: S + Complex transitive verb + O + (Cụm) danh từ/tính từ/giới từ.

Dưới đây là một số ví dụ của complex transitive verbs:

Động từ

Công thức ngữ pháp

put /pʊt/

  • put something + adv./prep (đặt/bỏ cái gì vào/ở đâu)
    Did you put sugar in my coffee?

hang /hæŋ/

  • hang something + adv./prep (treo cái gì ở đâu)
    Hang your coat on the hook.

name /neɪm/

  • name somebody + N (Đặt cho ai tên gì)
    They named their baby “John”.

pronounce /prəˈnaʊns/

  • pronounce somebody/something + N (Tuyên bố ai là ai)
    She pronounced him the winner of the competition.

call /kɔːl/

  • call somebody/something + noun (Gọi ai/cái gì là ai/là cái gì)
    They decided to call the baby Mark.

Prepositional verbs (Động từ theo sau bởi giới từ).

Prepositional verbs là những động từ yêu cầu một cụm giới từ theo sau và đóng vai trò là bổ ngữ của động từ. (N.B.Roberts- 2016)

Ví dụ:

  • She listened to music. (Cô ấy nghe nhạc)

Trong câu trên, to music chính là một cụm giới từ đóng vai trò bổ nghĩa cho động từ listen. Một số ví dụ khác như:

  • They looked at the window. (Họ nhìn cái cửa sổ)

  • John arrived at the hotel. (John đến khách sạn)

Lưu ý: Những cụm giới từ này là cần thiết vì nếu bỏ đi thì câu sẽ không có nghĩa.

Đối với ví dụ She slept on the floor, sleep không phải là một prepositional verb mà là một intransitive verb vì khi bỏ on the floor đi thì câu vẫn có nghĩa, on the floor chỉ là một trạng từ - thành phần phụ của câu.

Công thức ngữ pháp của prepositional verbs: S + prepositional verb + Cụm giới từ.

Dưới đây là một số ví dụ của prepositional verbs:

Động từ

Công thức ngữ pháp

arrive /əˈraɪv/

  • arrive + at/in somewhere (đến đâu)
    He just arrived at a hotel.

listen /ˈlɪsn/

  • listen + to something (nghe cái gì)
    They are listening to music.

stare /steə(r)/

  • stare + at somebody/something (Nhìn chằm chằm ai đó/cái gì)
    She keeps staring at me.

apply /əˈplaɪ/

  • apply for something (Xin làm gì đó)
    I have decided to apply for this new job.

depend /dɪˈpend/

  • depend + on something (Tùy vào cái gì đó)
    It depends on the weather.

Để giúp người học phân biệt rõ hơn các loại động từ này, dưới dây là bảng tóm các thành phần chính đi cùng với mỗi loại động từ trong câu:

image-alt

Trong đó:

Subject: Chủ ngữ - có thể là một danh từ, đại từ, cụm danh từ.

Verb: Cụm động từ, ví dụ: made, is making, has made.

Direct object: Tân ngữ trực tiếp - có thể là một danh từ, đại từ, cụm danh từ.

Indirect object: Tân ngữ gián tiếp - có thể là một danh từ, đại từ, cụm danh từ.

Subject predicative: Bổ ngữ của chủ ngữ - có thể là một (cụm) danh từ, tính từ, giới từ.

Object predicative: Bổ ngữ của tân ngữ - có thể là một (cụm) danh từ, tính từ, giới từ.

Prepositional complement: Cụm giới từ bổ ngữ cho động từ.

Bài tập vận dụng

Bài viết vừa cung cấp những kiến thức cần thiết giúp cho người học có thể phân biệt được các loại động từ trong tiếng Anh và sử dụng chúng một cách chính xác hơn. Để kiểm tra xem người đọc có nắm được rõ nội dung bài viết đã truyền tải hay không, hãy làm bài tập vận dụng dưới đây:

Bài tập: Tìm lỗi sai trong câu và sửa lại cho đúng.

1. I put the phone.

2. He told me to the news.

3. John sold his car for me.

4. His parents felt happily.

5. They are listening music.

6. My teacher hang her coat.

7. Her mother borrowed.

Đáp án:

1. Thiếu bổ ngữ của tân ngữ —> Sửa lại: I put the phone on the table/on the bed/in my bag. Put là một complex transitive verb nên yêu cầu có một tân ngữ và một bổ ngữ theo sau (để cái gì ở đâu?).

2. He told me to the news. Tân ngữ gián tiếp đứng trước tân ngữ trực tiếp thì không cần dùng to hoặc for.

3. John sold his car for me. —> John sold his car to me.

4. His parents felt happily. —> His parents felt happy. Feel là một intensive verb, sau feel cần một tính từ.

5. They are listening music. —>They are listening to music. Listen là một prepositional verb nên cần một cụm giới từ theo sau.

6. My teacher hang her coat. —> My teacher hang her coat on the hook/ on the back of the door. Hang là một complex transitive verb nên yêu cầu có một tân ngữ và một bổ ngữ theo sau (treo cái gì ở đâu?).

7. Her mother borrowed. —> Her mother borrowed a book/a hat. Borrow là một ngoại động từ nên yêu cầu một tân ngữ phía sau nó (mượn cái gì?).

Tổng kết

Tựu chung lại, động từ (verb) là một phần không thể thiếu trong tiếng Anh. Bài viết trên đã nêu ra các loại động từ trong tiếng Anh dựa theo cấu trúc ngữ pháp của chúng. Người đọc có thể dựa vào những đặc điểm của từng loại động từ đã nêu trong bài viết để có thể diễn đạt ý đúng ngữ pháp hơn trong văn nói lẫn văn viết.

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...