Banner background

Những điều cần biết khi viết bài báo khoa học phần 13: Tối ưu phần Phương pháp (Methods)

Bài viết sẽ cung cấp cách viết những phần cơ bản của phương pháp nghiên cứu và các chiến lược tối ưu phần phương pháp một cách hiệu quả.
nhung dieu can biet khi viet bai bao khoa hoc phan 13 toi uu phan phuong phap methods

Key takeaways

  • Mục đích chính của phần phương pháp nghiên cứu là để đảm bảo tính tái sản xuất và tính tin cậy của nghiên cứu.

  • Các nội dung của phần phương pháp: (1) Vật liệu nghiên cứu; (2) Cách thức tiến hành nghiên cứu; (3) Phương pháp đo lường và phân tích thống kê; (4) Hình ảnh và bảng biểu.

  • Câu bị động thường được sử dụng trong phần phương pháp nghiên cứu vì: (1) Giúp tác giả tránh bị lặp đại từ xưng hô; (2) Nhấn mạnh vào hành động được tiến hành trong nghiên cứu; (3) Đảm bảo cấu trúc câu phù hợp.

  • Các lỗi sai ngôn ngữ hay gặp trong phần phương pháp: (1) Bổ ngữ lơ lửng; (2) Cú pháp học; (3) Lặp từ.

Giới thiệu

Phần phương pháp trong bài báo khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc truyền đạt cách thức thực hiện nghiên cứu và làm thế để đạt được kết quả. Giới thiệu một cách chính xác và mạch lạc phần phương pháp là yếu tố quyết định để đảm bảo tính tái sản xuất và tính đáng tin cậy của nghiên cứu. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học trẻ ở Việt Nam đang gặp khó khăn khi viết phần này, không biết lựa chọn câu chủ động hay bị động để trình bày các phương pháp nghiên cứu một cách chính xác và rõ ràng. Do đó, bài viết sẽ cung cấp cách viết những phần cơ bản của phương pháp nghiên cứu và các chiến lược tối ưu phần phương pháp một cách hiệu quả.

Xem các phần trước:

Mục đích của phần phương pháp

Phần phương pháp nghiên cứu trong bài báo khoa học có hai mục đích quan trọng là đảm bảo tính tái sản xuất (reproducibility) và tính đáng tin cậy (credibility) của kết quả nghiên cứu. Để đạt được tính tái sản xuất, tác giả cần mô tả chi tiết các phương pháp nghiên cứu đã được đề cập cụ thể ở phần đặt vấn đề. Việc viết phần này ở thì quá khứ là cần thiết để phản ánh các bước đã được thực hiện trong quá trình nghiên cứu. Mục tiêu là cung cấp đủ thông tin để các nhà khoa học khác có thể tái tạo lại thí nghiệm hoặc nghiên cứu một cách chính xác. Để đảm bảo phần phương pháp thực hiện khách quan và đầy đủ, các tác giả không nên bao gồm thông tin trong phần kết quả của nghiên cứu và thay vào đó, họ cần cung cấp đủ thông tin để thí nghiệm có thể được thực hiện lại bởi người khác. Một cách để kiểm tra là nhờ đồng nghiệp đọc lại để xem họ có thể thực hiện được thí nghiệm này lại theo các phương pháp vừa viết không. Điều này đảm bảo rằng các kết quả được báo cáo có thể được kiểm chứng và lặp lại bởi những nhà nghiên cứu khác, từ đó củng cố tính tin cậy của nghiên cứu.

Bên cạnh đó, phần phương pháp còn giúp đảm bảo tính đáng tin cậy của kết quả nghiên cứu. Khi đồng nghiệp của mình có thể đánh giá chi tiết từng bước của quy trình nghiên cứu, họ sẽ hiểu rõ hơn về cách thức và lý do mà các phương pháp cụ thể được lựa chọn. Điều này không chỉ giúp họ đánh giá tính phù hợp của các phương pháp đó đối với câu hỏi nghiên cứu mà còn giúp họ hiểu rõ và tin tưởng vào kết quả trong nghiên cứu của mình. Mặc dù nhiều người đọc có thể bỏ qua phần này, nhưng tổng biên tập của tạp chí và các nhà bình duyệt sẽ xem xét kỹ lưỡng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến độ tin cậy và giá trị của toàn bộ nghiên cứu.

image-alt

Cấu trúc của phần phương pháp

Trong phần phương pháp nghiên cứu, cấu trúc sẽ tùy thuộc vào yêu cầu của tạp chí mà các tác giả định nộp. Do đó, các nhà khoa học nên tìm hiểu kỹ hướng dẫn cụ thể của tạp chí và viết theo. Thông thường, các tác giả nên chia phần phương pháp của mình ra thành các tiêu đề phụ. Nó giúp người đọc theo dõi tốt hơn phần phương pháp nghiên cứu này. Nếu tác giả đã có một tạp chí mục tiêu (được nhắc tới trong phần 4 của chuỗi bài viết), thì việc tham khảo hướng dẫn của tạp chí là cần thiết. Nếu tạp chí không có hướng dẫn cụ thể, các nhà khoa học có thể xem các bài báo đã được đăng trên tạp chí đó mà có cùng chủ đề với bài của mình để viết theo.

Trong quá trình mô tả phương pháp nghiên cứu, trích dẫn tài liệu tham khảo nên được thực hiện trong một số trường hợp cụ thể. Khi phương pháp nghiên cứu được áp dụng lần đầu và chưa từng được công bố trước đó, tác giả không cần phải trích dẫn nhưng cần phải ghi rõ và chi tiết về nguồn gốc của phương pháp đó. Điều này giúp đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nghiên cứu.

Tuy nhiên, nếu phương pháp đã được công bố trước đó trong các tài liệu tham khảo khác, việc trích dẫn lúc này là bắt buộc. Bằng cách này, tác giả không chỉ thể hiện sự tôn trọng đối với công lao của những người đã tiên phong trong lĩnh vực này mà còn giúp người đọc dễ dàng tìm hiểu về nguồn gốc và tiền đề của phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu. Dưới đây là các thành phần chung nhất cần được nêu ra trong phần phương pháp nghiên cứu mà tạp chí nào cũng sẽ yêu cầu.

Phần vật liệu nghiên cứu (Materials)

Trong các lĩnh vực như hóa học, dược liệu hay vi sinh, phần vật liệu nghiên cứu đóng vai trò quan trọng và cần được trình bày cụ thể trong bài báo khoa học. Còn đối với các lĩnh vực không liên quan tới thực nghiệm thì phần này có thể hiểu là nguồn dữ liệu sử dụng trong nghiên cứu.

Các tác giả cần mô tả chi tiết về cách thu thập, kỹ thuật sử dụng, số lượng, nguồn gốc hoặc phương pháp chuẩn bị các vật liệu hoặc số liệu. Một số tạp chí còn yêu cầu liệt kê tính chất hóa học và vật lý của các chất được sử dụng trong thí nghiệm. Để đảm bảo tính rõ ràng và chính xác, các tác giả nên sử dụng tên gốc hoặc tên hóa học của sản phẩm, tránh sử dụng tên thương mại. Trong trường hợp cần thiết phải sử dụng tên thương mại, như khi so sánh tính sinh khả dụng của các biệt dược, cần ghi rõ nơi sản xuất và viết hoa chữ cái đầu cùng với ký hiệu kinh doanh.

Đối với các thí nghiệm trên động vật, thực vật hoặc vi sinh vật, việc định danh chính xác qua tên họ, chi, loài và chủng là bắt buộc. Các đối tượng nghiên cứu khác cần được mô tả chi tiết về tuổi, giới tính, bộ gen và trạng thái sinh lý. Nếu đối tượng nghiên cứu là con người, các tác giả cần có giấy xác nhận đồng thuận tham gia nghiên cứu và sự phê duyệt của hội đồng đạo đức. Việc trình bày chi tiết và cẩn thận phần này không chỉ giúp đảm bảo tính tái sản xuất của bài báo mà còn duy trì danh tiếng của tác giả.

image-alt

Phần cách thức nghiên cứu (Methods)

Phần cách thức nghiên cứu (Methods) trong bài báo khoa học cần được trình bày một cách rõ ràng và chi tiết, tuân theo trình tự thời gian thực hiện, nhưng cũng nên nhóm các phương pháp tương tự lại với nhau để dễ theo dõi và hiểu rõ hơn. Ví dụ, nếu phương pháp định lượng A được thực hiện cuối cùng trong quá trình nghiên cứu, nó vẫn nên được ghi cùng với các phương pháp định lượng khác, thay vì được tách riêng ra ở phần cuối.

Cách sắp xếp này giúp người đọc dễ dàng so sánh và đối chiếu các phương pháp cùng loại, đồng thời tạo ra một cấu trúc logic, dễ hiểu cho toàn bộ phần Phương pháp. Việc nhóm các phương pháp tương tự lại với nhau cũng giúp tổng biên tập và các nhà bình duyệt dễ dàng đánh giá tính chính xác và hợp lý của các bước nghiên cứu, từ đó củng cố tính đáng tin cậy của bài báo. Khi viết phần này, tác giả nên chú ý cung cấp đủ thông tin chi tiết, bao gồm các bước thực hiện, thiết bị sử dụng, điều kiện thí nghiệm, và các biến số đo lường. Điều này không chỉ giúp người đọc có thể tái tạo lại thí nghiệm mà còn đảm bảo rằng phương pháp nghiên cứu được hiểu rõ và đáng tin cậy.

Phương pháp đo lường và phân tích thống kê

Trong phần phương pháp đo lường và phân tích thống kê, việc mô tả cẩn thận về nguyên liệu và điều kiện thực hiện thí nghiệm là cực kỳ quan trọng. Ngoài việc chỉ rõ về các thành phần và quy trình thực hiện, cần phải ghi rõ các điều kiện môi trường như nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, và áp suất không khí, nếu những yếu tố này có ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu.

Các phương pháp phân tích thống kê cần được đề cập một cách rõ ràng và logic. Mặc dù không cần mô tả quá chi tiết, nhưng tác giả cần phải nêu rõ loại phân tích thống kê được sử dụng và lí do lựa chọn phương pháp đó. Điều này giúp người đọc hiểu được cách thức xử lý dữ liệu và đánh giá độ tin cậy của kết quả nghiên cứu.

Ví dụ dưới đây là một điển hình về cách viết phần phân tích phương pháp thống kê ngắn gọn và đơn giản trong bài báo khoa học:

Multiple logistic regressions were conducted to assess the association of different variables and having a PIMcog, including age, gender, type of dementia, severity of dementia, number of comorbidities, number of medicines used other than PIMcog, number of hospital visits, and number of treating specialists.

Ở đây tác giả chỉ nêu ra tên phương pháp thống kê sử dụng là “Multiple logistic regressions” chứ không cần mô tả cụ thể là đây là phương pháp gì, nó được dùng trong trường hợp nào hay bản chất toán học của nó là gì.

Hình ảnh và bảng biểu

Trong phần phương pháp nghiên cứu, việc sử dụng đúng và hiệu quả các hình ảnh và bảng biểu có thể làm cho bài báo trở nên dễ đọc và hiểu hơn. Đặc biệt, khi nghiên cứu sử dụng nhiều chủng vi sinh vật, việc chuẩn bị một bảng để liệt kê chi tiết về nguồn gốc và tính chất của các đối tượng là rất cần thiết. Bảng này không chỉ giúp tóm tắt và hiển thị thông tin một cách rõ ràng mà còn giúp đảm bảo tính chính xác và toàn vẹn của dữ liệu.

Ngoài ra, tính chất của các hợp chất hoá học cũng có thể được liệt kê trong bảng để người đọc dễ dàng tham khảo và so sánh. Việc này giúp tạo ra một nguồn tham khảo hữu ích cho độc giả muốn tìm hiểu sâu hơn về các thành phần được sử dụng trong nghiên cứu.

Hình ảnh cũng là một công cụ mạnh mẽ để minh họa và mô tả quá trình thực hiện thí nghiệm. Sử dụng hình ảnh phù hợp có thể giúp tạo ra một sự minh bạch và hấp dẫn hơn, từ đó làm cho bài báo trở nên trực quan và dễ tiếp cận hơn đối với độc giả. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hình ảnh nên được chú thích đầy đủ và chính xác để người đọc có thể hiểu rõ về ý nghĩa của chúng trong ngữ cảnh của nghiên cứu.

Ngôn ngữ sử dụng trong phần phương pháp

Sử dụng câu bị động đúng cách

Thông thường thì câu bị động không nên sử dụng trong bài báo khoa học, tuy nhiên nó có thể đem lại tính rõ ràng và mạch lạc khi viết trong phần phương pháp nghiên cứu. Đầu tiên, câu bị động sẽ giúp tác giả tránh bị lặp từ khi mô tả việc thực hiện nghiên cứu, vì chủ ngữ trong phần này sẽ là người thực hiện thí nghiệm – chính là các tác giả. Như vậy, nếu sử dụng câu chủ động thì đa phần câu nào cũng sẽ có chủ ngữ là “We”.

Thứ hai, mục đích của phần phương pháp là mô tả lại cách tiến hành thí nghiệm, hay nói cách khác đó chính là các hành động được sử dụng trong nghiên cứu. Do đó, câu bị động sẽ phù hợp khi nó thường được sử dụng để nhấn mạnh vào hành động hơn là người thực hiện hành động. Ngoài ra phần này cần đảm bảo ngắn gọn và súc tích để người đọc có thể làm theo. Do đó câu bị động hoàn toàn có thể đáp ứng được các tiêu chí này.

Thứ ba, ở bài 12 của chuỗi bài viết có đề cập tới việc khi viết câu thì nên nêu thông tin cũ trước, thông tin mới sau. Như vậy, cây bị động có thể rất hữu ích trong trường hợp này vì nó sẽ để đối tượng hay hành động được nhắc tới lên đầu.

Tuy nhiên, thì cũng sẽ có những trường hợp ngoại lệ, và câu chủ động – bị động nên sử dụng một cách linh hoạt. Người đọc có thể tham khảo ví dụ dưới đây để hiểu hơn về cách sử dụng chúng.

Two pharmacists reviewed the literature and finalized the list of medications. After that, it was disseminated to all physicians and integrated into the clinical decision support system.

image-alt

Với nội dung trên, tác giả muốn nhấn mạnh rằng việc xây dựng danh mục thuốc có sự tham gia bởi 2 dược sĩ. Và ở câu sau, tác giả muốn nhấn mạnh vào hành động rằng danh mục được phổ biến tới các bác sĩ và được tích hợp vào hệ thống hỗ trợ ra quyết định lâm sàng, chứ tác giả không muốn nhấn mạnh rằng ai là người đi phổ biến danh mục này cho các bác sĩ, và ai là người tích hợp nó lên phần mềm.

Như vậy, việc sử dụng câu ở trạng thái chủ động hay bị động còn phụ thuộc vào nội dung mà tác giả muốn truyền tải tới người đọc.

Các lỗi ngôn ngữ hay gặp trong phần phương pháp

Trong bài báo khoa học, lỗi ngữ pháp và dấu câu thông thường có thể không được coi là quá nghiêm trọng, nhưng ở phần phương pháp nghiên cứu, điều này lại ngược lại. Một dấu phẩy đặt sai chỗ có thể ảnh hưởng đến ý nghĩa của câu, vì vậy việc chú ý đến ngữ pháp và dấu câu là rất quan trọng (xem phần 7 của chuỗi bài viết).

Tuy nhiên, với sự ngắn gọn của phần này, một lỗi phổ biến là các bổ ngữ lơ lửng (dangling modifiers). Điều này có thể gây hiểu nhầm về ý của câu. Ví dụ, "To determine its respiratory quotient, the organism was..." hay "Having completed the study, the bacteria were of no further interest..." là những ví dụ minh họa cho lỗi này trong bài báo.

Trong quá trình viết bài báo khoa học, việc sử dụng câu bị động đôi khi có thể gây ra những lỗi phổ biến. Một trong số đó là việc sai cú pháp học, khiến cho ý nghĩa của câu trở nên mơ hồ và khó hiểu. Ví dụ, một câu quá dài và động từ ở cuối câu có thể làm cho độc giả gặp khó khăn trong việc theo dõi và hiểu được thông điệp của câu.

Ví dụ: Summary of product characteristics, collected from Vietnamese hospitals, as well as clinical recommendations, collected from specialized books and international guidelines, were used to build the medication list.

image-alt

Để khắc phục điều này, tác giả nên đặt đối tượng và động từ trong vòng 9 từ đầu tiên của câu, tạo ra một câu rõ ràng và dễ hiểu hơn cho người đọc.

Different sources of literature were used to build the medication list: the summary of product characteristics, collected from Vietnamese hospitals; and clinical recommendations, collected from specialized books and international guidelines.

Ngoài ra, một lỗi khác thường gặp khi sử dụng câu bị động là việc lặp lại từ không cần thiết. Ví dụ, câu "The data were collected and they were analyzed using..." lặp lại từ "they" có thể làm mất sự chuyên nghiệp và gây sự lủng củng trong cú pháp của câu. Để khắc phục điều này, tác giả nên loại bỏ từ không cần thiết và sửa lại câu thành "The data were collected and analyzed using...", tạo ra một cú pháp chính xác và dễ đọc hơn.

Kết luận

Phần phương pháp trong bài báo khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc truyền đạt cách thức thực hiện nghiên cứu và làm sao để đạt được kết quả. Đảm bảo tính tái sản xuất và tính đáng tin cậy của kết quả nghiên cứu là mục tiêu hàng đầu của phần này. Việc mô tả chi tiết và rõ ràng các phương pháp đã sử dụng là điều cần thiết để đảm bảo rằng các nhà nghiên cứu khác có thể tái tạo lại thí nghiệm một cách chính xác. Đồng thời, phần phương pháp cũng giúp đánh giá tính phù hợp của các phương pháp với câu hỏi nghiên cứu và tăng tính đáng tin cậy của kết quả. Việc lựa chọn giữa câu chủ động và câu bị động cũng là một điểm quan trọng trong việc viết phần này. Sử dụng câu bị động có thể làm cho văn phong trở nên lạc quan và mơ hồ hơn, trong khi câu chủ động thường mang lại tính rõ ràng và minh bạch hơn. Tuy ngắn gọn nhưng phần phương pháp lại mang lại ảnh hưởng lớn đối với chất lượng và giá trị của bài báo khoa học.

Tài liệu tham khảo

  • Gastel, Barbara, and Robert Day. How to Write and Publish a Scientific Paper. Greenwood, 2015.

  • Cargill, Margaret, and Patrick O'Connor. Writing Scientific Research Articles: Strategy and Steps. Wiley Blackwell, 2021

  • Nguyen, Tuan Anh et al. “Use of Potentially Inappropriate Medications in People With Dementia in Vietnam and Its Associated Factors.” American Journal of Alzheimer's disease and other dementias vol. 33,7 (2018): 423-432.

Tác giả: Lê Trọng Hiếu

Tham vấn chuyên môn
Trần Ngọc Minh LuânTrần Ngọc Minh Luân
GV
Tôi đã có gần 3 năm kinh nghiệm giảng dạy IELTS tại ZIM, với phương châm giảng dạy dựa trên việc phát triển toàn diện năng lực ngôn ngữ và chiến lược làm bài thi thông qua các phương pháp giảng dạy theo khoa học. Điều này không chỉ có thể giúp học viên đạt kết quả vượt trội trong kỳ thi, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho việc sử dụng ngôn ngữ hiệu quả trong đời sống, công việc và học tập trong tương lai. Ngoài ra, tôi còn tích cực tham gia vào các dự án học thuật quan trọng tại ZIM, đặc biệt là công tác kiểm duyệt và đảm bảo chất lượng nội dung các bài viết trên nền tảng website.

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...